Ánh nắng gay gắt vào mùa hè có thể làm cho da của chúng ta bị rám nắng hoặc cháy nắng. Rám nắng không gây tổn thương da nghiêm trọng bằng cháy nắng nhưng vẫn có thể ảnh hưởng đến làn da, chẳng hạn như lão hoá sớm
Rám nắng phát triển khi các tia cực tím từ mặt trời làm thay đổi sắc tố trong da để tạo ra màu sẫm hơn. Nếu không có sự can thiệp, vết rám nắng thường bắt đầu mờ dần trong vòng vài tuần. Điều này là do cơ thể loại bỏ các tế bào da chết và thay thế chúng bằng những tế bào mới.
Tuy nhiên, bằng một số biện pháp tại nhà, bạn có thể loại bỏ các vết rám nhanh hơn và giúp cho làn da trắng sáng, mịn màng hơn.
1. Rám nắng có phải là cháy nắng không?
Rám nắng và cháy nắng là hai tình trạng khác nhau. Theo tiến sĩ Geetika Mittal Gupta, một chuyên gia thẩm mỹ có trụ sở tại Delhi và Mumbai cho biết: “Cháy nắng thường gây hại hơn rám nắng, nó gây ra tổn thương nghiêm trọng cho làn da của bạn, có thể dẫn đến lão hóa sớm và ung thư da“.
Vậy rám nắng và cháy nắng là gì?
Rám nắng là quá trình sắc tố da (melanin) tăng lên sau khi tiếp xúc với ánh nắng mặt trời dẫn đến sạm da. Đây là quá trình bảo vệ tự nhiên của cơ thể để bảo vệ làn da của bạn khỏi ánh nắng mặt trời như một tấm khiên.
Tuy nhiên, những người có tông màu da sáng hơn thường không thể tạo ra đủ lượng sắc tố melanin, do đó người có tông da sáng thường ít bị rám nắng hơn.
Nhưng khi melanin được tạo ra không hiệu quả có thể khiến những vùng da tiếp xúc với ánh nắng mặt trời dễ bị bỏng hay còn gọi là cháy nắng, tình trạng này dễ xảy ra ở những người có làn da trắng hơn.
Cháy nắng là phản ứng của da khi tiếp xúc quá nhiều với tia cực tím (UV) từ mặt trời. Bạn có thể nhìn thấy ánh sáng mặt trời và cảm nhận được sức nóng (bức xạ hồng ngoại), nhưng bạn không thể nhìn thấy hoặc cảm nhận được bức xạ tia cực tím. Tia UV có thể gây hại cho làn da của bạn ngay cả trong những ngày mát mẻ, nhiều mây.
Cháy nắng là một loại viêm với các triệu chứng như phồng rộp, sưng tấy, phát ban và bong tróc da do tác hại của tia UV, thường xảy ra sau vài giờ tiếp xúc với ánh nắng mặt trời. Cháy nắng gây tổn thương nghiêm trọng cho làn da của bạn, có thể dẫn đến lão hóa sớm và ung thư da.
2. Hướng dẫn cách làm mờ vết rám nắng
Vết rám nắng có thể mờ dần theo thời gian nếu như bạn có kế hoạch bảo vệ da, nhưng để “đánh bay” các vết nám nhanh hơn, các bạn có thể áp dụng một số cách như:
2.1. Tẩy tế bào chết
Tẩy tế bào chết cho da sẽ giúp loại bỏ các tế bào da chết có sắc tố khỏi lớp ngoài cùng của da. Điều này có thể làm giảm sự xuất hiện của rám nắng.
Tuy nhiên, khi tẩy da chết mọi người nên lưu ý một số điều như:
– Lựa chọn sản phẩm phù hợp với làn da, chẳng hạn những người có làn da khô và nhạy cảm nên lựa chọn tẩy tế bào chết hóa học, những người da dầu và dày hơn có thể lựa chọn tẩy da chết vật lý.
– Bất kể loại da nào, bạn nên nhớ tẩy tế bào chết nhẹ nhàng để không gây tổn thương cho da. Không lạm dụng việc tẩy da chết vì có thể khiến da bị đỏ và gây ra mụn trứng cá. Những người có tông màu da tối hơn mà tẩy tế bào chết quá mức có thể gây ra các vết thâm trên da. Mỗi tuần bạn chỉ nên tẩy da chết từ 1 đến 2 lần.
– Đặc biệt, mọi người nên đảm bảo dưỡng ẩm cho da sau khi tẩy da chết để tránh làm khô da quá mức.
2.2. Dùng các sản phẩm làm sáng da
Hội Da Liễu Hoa Kỳ (AAD) khuyến nghị một số thành phần là chất có thể làm sáng da như: Axit, azelaic, axit glycolic, retinoid, vitamin C, axit kojic.
Mọi người có thể lựa chọn các sản phẩm có chứa các thành phần trên, tuy nhiên vẫn cần sự tư vấn từ bác sĩ da liễu để lựa chọn đúng sản phẩm phù hợp với tình trạng của làn da.
3. Thận trọng với một số lời khuyên giúp loại bỏ vết rám nắng
Một số blog và tài khoản mạng xã hội đưa ra lời khuyên về việc tẩy da chết để loại bỏ các vết rám nắng bằng chanh hoặc tẩy trắng da. Tuy nhiên, các biện pháp này có thể gây hại cho làn da nếu như áp dụng không đúng cách.
3.1. Sử dụng nước chanh
Trong nhiều năm nay, người ta đã sử dụng nước cốt chanh để làm sáng da và tóc. Nhiều blog gợi ý sử dụng chanh tươi để loại bỏ các vết sạm da hoặc làm sáng da. Tuy nhiên, nước chanh không pha loãng có hàm lượng axit cao có thể gây kích ứng và làm mỏng da.
Nếu một người muốn sử dụng nước chanh, bạn nên pha loãng trong nước và rửa sạch nước chanh vài phút sau khi thoa. Điều này làm giảm nguy cơ kích ứng da. Đặc biệt, không nên áp dụng biện pháp này thường xuyên vì da có thể bị bào mòn.
3.2. Dùng sản phẩm tẩy trắng da
Kem tẩy trắng có thể gây kích ứng da và ảnh hưởng đến sắc tố da, thay vì đánh bay các vết sẫm màu hơn, một người sẽ xuất hiện các vết sáng hơn.
Đặc biệt, không nên sử dụng thuốc tẩy dạng lỏng trên da vì chúng có thể làm bỏng và tổn thương da nghiêm trọng. Tốt hơn hết, bạn nên tham khảo ý kiến của bác sĩ da liễu trước khi sử dụng sản phẩm này.
4. Cách bảo vệ da phòng ngừa rám nắng và cháy nắng vào mùa hè
Da dễ bị tổn thương do tia UV từ ánh nắng mặt trời, để phòng ngừa các tình trạng rám nắng, cháy nắng, lão hóa da, ung thư da,… các bạn nên thực hiện một số biện pháp được khuyến khích như:
– Thoa kem chống nắng, bạn nên sử dụng sản phẩm có chỉ số chống nắng (SPF) từ 30 trở lên. Thoa lại kem sau khoảng 2 giờ, sớm hơn nếu bạn tham gia bơi lội hoặc tập thể dục.
– Đội mũ rộng vành, đeo kính râm có khả năng chống tia cực tím, mặc quần áo chống nắng khi đi ra ngoài.
– Tránh ra ngoài vào những giờ có chỉ số tia cực tím cao, thường là từ 10 giờ sáng đến 4 giờ chiều.
– Tránh xa các bề mặt phản chiếu như nước, cát, mặt đường, xi măng,… vì các bề mặt này phản chiếu các tia có hại của mặt trời, làm tăng nguy cơ da bị cháy nắng.
– Bổ sung những thực phẩm có tác dụng chống lão hóa và ngăn ngừa tác động của tia UV đến làn da như cà rốt, cà chua, nghệ, ớt chuông, trà xanh, súp lơ, hạt bí,…