Chúng ta thường quan tâm đến vitamin C, D, A… mà thường ít nhắc đến vitamin B12. Xong thực tế tác động của chúng đến cơ thể là không hề nhỏ.
Quá thiếu, quá thừa loại vitamin này có thể làm tăng nguy cơ mắc ung thư phổi, dạ dày
Theo Trung tâm dinh dưỡng lâm sàng (Bệnh viện K), vitamin B12 là một loại vitamin tan trong nước mà cơ thể cần với lượng nhỏ để duy trì hoạt động. Vitamin B12 cần thiết cho quá trình hình thành tế bào hồng cầu, chuyển hóa tế bào, chức năng thần kinh và sản xuất ADN.
Vài năm gần đây, đã có nhiều nghiên cứu cho thấy có mối liên quan giữa bệnh ung thư và vitamin B12.
Nghiên cứu trên hơn 5364 bệnh nhân ung thư phổi và 5364 bệnh nhân đối chứng cho thấy nồng độ vitamin B12 cao trong máu có nguy cơ ung thư phổi cao gấp 1,15 lần. Trong khi đó, nồng độ vitamin B12 trong máu thấp lại có thể làm tăng nguy cơ một số loại ung thư như ung thư cổ tử cung, ung thư dạ dày, ung thư đại trực tràng.
Việc bổ sung vitamin B12 quá mức để phòng nguy cơ ung thư không được khuyến khích do nó cũng có thể làm tăng nguy cơ ung thư.
Trên thực tế lâm sàng, vitamin B12 vẫn được bác sĩ chỉ định bổ sung ở những người bị thiếu hụt dựa trên các xét nghiệm. Một số phác đồ điều trị ung thư phổi còn bổ sung vitamin B12 cùng acid để giảm thiểu độc tính với tế bào máu (như hạ bạch cầu, tiểu cầu) trong quá trình điều trị.
Như vậy, vitamin B12 rất cần thiết với cơ thể và nên được cung cấp với liều lượng phù hợp, ưu tiên từ thực phẩm, không nên bổ sung với liều lượng lớn trong thời gian kéo dài.
Dấu hiệu cơ thể bạn thiếu vitamin B12
Thiếu vitamin B12 có thể gây ra một số triệu chứng, bao gồm: mệt mỏi, khó chịu, da có màu vàng nhạt, viêm lưỡi (đau lưỡi) và loét miệng.
Cơ quan Dịch vụ Y tế Quốc gia Vương quốc Anh (NHS) liệt kê các vấn đề mà một người có thể gặp phải nếu thiếu vitamin B12, bao gồm:
– Gặp vấn đề về thị lực.
– Sưng, đau lưỡi.
– Rối loạn tiêu hóa.
– Cảm giác buồn rầu, lo âu, căng thẳng tinh thần, và thậm chí là trạng thái tâm thần không ổn định.
– Tổn thương các bộ phận của hệ thần kinh (bệnh thần kinh ngoại biên), đặc biệt ở chân.
Những thực phẩm giàu vitamin B12 mà bạn có thể tăng cường
1. Các loại cá
Các loại cá như cá mòi, cá ngừ, cá hồi vân, cá hồi đỏ chứa nhiều vitamin B12, giúp giữ cho não và các tế bào thần kinh của chúng ta hoạt động ổn định. Đáng nói, chúng không chỉ giàu B12 mà còn chứa hầu hết mọi chất dinh dưỡng khác. Từ protein, axit béo omega-3 đến phốt pho, selen, vitamin A và B3…
2. Sò
Nếu muốn bổ sung vitamin B12 từ hải sản, bạn có thể ăn sò, một loại động vật có vỏ nhỏ, dai nhưng chứa đầy chất dinh dưỡng có lợi. Ngoài việc cung cấp vitamin B12, nó còn chứa protein, một lượng lớn chất sắt và chất chống oxy hóa.
3. Thịt nạc
Hầu hết các nguồn vitamin B12 là sản phẩm động vật. Điều đó nói lên rằng, việc chọn thịt nạc như hải sản, thịt cừu, thịt gà không chỉ giúp giảm nguy cơ thiếu vitamin B12 mà còn cung cấp cho bạn protein, axit béo omega-3, niacin, kẽm và sắt. Những thứ này không làm tăng các yếu tố nguy cơ tim mạch và cũng giữ cho mức năng lượng của bạn ở mức cao.
4. Trứng
Theo WebMD, một quả trứng luộc chín có khoảng 0,6 microgam B12, hầu hết B12 đều đến từ lòng đỏ. Nhìn chung, trứng là nguồn cung cấp protein hoàn chỉnh và giàu vitamin nhóm B, đặc biệt là B2 và B12, đây là lý do tại sao nó cực kỳ quan trọng đối với chế độ ăn uống lành mạnh.
5. Sữa và các chế phẩm từ sữa
Các sản phẩm từ sữa như sữa, sữa chua và phô mai là nguồn cung cấp vitamin B12 tuyệt vời. Chúng cũng chứa protein, canxi, vitamin A, D, kẽm, kali và choline, những chất cực kỳ quan trọng đối với sức khỏe tổng thể.
6. Ngũ cốc
Nếu bạn là người ăn chay hoặc thuần chay, ngũ cốc tăng cường cũng có thể là nguồn cung cấp vitamin B12 tốt cho bạn.
7. Các loại rau xanh
Nếu bạn theo chế độ ăn dựa trên thực vật thì các loại rau như rau bina, củ cải đường, bí đỏ, nấm và khoai tây chứa một lượng vitamin B12 tốt.
Tuy nhiên, người ăn chay ít có khả năng bổ sung đầy đủ dinh dưỡng từ thực vật. Đó là lý do tại sao bạn phải nói chuyện với bác sĩ hoặc chuyên gia dinh dưỡng về việc nạp thêm các chất bổ.
Theo Tổ Quốc