Nhiều năm trở lại đây, không chỉ có nhiều người phụ nữ mắc phải hội chứng trầm cảm sau sinh mà ngay cả những người cha cũng mắc phải căn bệnh này. Đây là tình trạng bệnh nghiêm trọng kéo dài và bắt đầu ngay sau 1 vài ngày đứa trẻ ra đời.

1. Đàn ông cũng có thể trầm cảm sau sinh

Theo nghiên cứu của Tạp chí sức khỏe nam giới Hoa kỳ, 13,3% các ông bố tương lai trải qua mức độ cao của các triệu chứng bệnh trầm cảm ở tháng thứ 3 của thai kỳ. Còn đối với thời kỳ hậu sản, ước tính số lượng nam giới trải qua triệu chứng trầm cảm trong hai tháng đầu ngay sau khi sinh từ 4 đến 25%.

“Thật khó để thừa nhận rằng một điều tự nhiên như làm cha lại trở nên rất khó khăn đối với bạn” - Ảnh minh họa: THE GUARDIAN
“Thật khó để thừa nhận rằng một điều tự nhiên như làm cha lại trở nên rất khó khăn đối với bạn” – Ảnh minh họa: THE GUARDIAN

2. Nguyên nhân khiến đàn ông bị trầm cảm sau sinh

Cũng giống với những bà mẹ bỉm sữa, có rất nhiều yếu tố khiến cho người bố bị trầm cảm sau khi con ra đời. Các bác sĩ đã chỉ ra một vài nguyên nhân nổi bật như:

  • Thiếu ngủ, ngủ không sâu giấc.
  • Có tiền sử bị mắc bệnh trầm cảm, có tiền sử gia đình mắc các bệnh về vấn đề tâm lý.
  • Thiếu thốn nguồn động viên tinh thần từ gia đình và xã hội.
  • Bị quá tải công việc nhà.
  • Bị bất đồng với vợ sau khi sinh em bé, thay đổi các thói quen sinh hoạt của hai vợ chồng.
  • Gặp phải các sự kiện mất mát, đau buồn, căng thẳng trong cuộc sống.
  • Khó khăn trong việc điều chỉnh để thích nghi với việc lần đầu làm bố
  • Căng thẳng về vấn đề tài chính.
  • Thay đổi hormone.
  • Do vợ bị trầm cảm trước hoặc sau khi sinh.

3. Các triệu chứng khi người cha bị trầm cảm sau sinh

Thông thường, mỗi người bố sẽ có những triệu chứng trầm cảm sau sinh khác nhau. Tuy nhiên, đa số các triệu chứng cũng sẽ tương tự giống với triệu chứng trầm cảm sau sinh của các bà mẹ. Bao gồm:

  • Cảm thấy chán nản.
  • Cảm thấy có lỗi về bản thân mình không phải là người bố tốt, không yêu thương con đủ nhiều.
  • Cảm thấy tức giận, không quan tâm đến vợ hoặc đứa trẻ mới chào đời.
  • Cảm thấy vô vọng, vô dụng, có lỗi và xấu hổ với bản thân.
  • Cảm thấy mệt mỏi, cơ thể bị cạn kiệt năng lượng.
  • Thường xuyên tức giận, kích động một cách vô cớ.
  • Mất hứng thú với các hoạt động mà bình thường vẫn thích làm.
  • Luôn thấy muốn khóc.
  • Khó ngủ hoặc ngủ quá nhiều.
  • Chán ăn, ăn không ngon miệng hoặc ăn uống vô độ.
  • Xuất hiện suy nghĩ về việc tự làm hại bản thân mình hoặc em bé mới ra đời.
  • Có những suy nghĩ ám ảnh quá mức như lo ngại thái quá về tình trạng sức khỏe của đứa bé.
  • Xa lánh gia đình, bạn bè.
  • Hoảng loạn vô cớ.
  • Tăng mức độ sử dụng các loại thuốc hoặc đồ uống có cồn
  • Có suy nghĩ tự tử, về cái chết.

4. Hậu quả khi người cha bị trầm cảm sau sinh

"Cảm giác như không có lối thoát" là vấn đề chung của nhiều người lần đầu làm cha - Ảnh: THE GUARDIAN
“Cảm giác như không có lối thoát” là vấn đề chung của nhiều người lần đầu làm cha – Ảnh: THE GUARDIAN

Ảnh hưởng đến mối quan hệ bố con, vợ chồng, gia đình và bạn bè: nếu không có sự phát hiện và hỗ trợ kịp thời thì những ông bố này sẽ mất đi mối liên kết với những người mà mình thân yêu, không xây dựng được mối liên kết chặt chẽ với đứa trẻ mới sinh

Vì người bố đóng một vai trò cực kỳ quan trọng trong quá trình phát triển của một đứa trẻ nên nếu người cha bị trầm cảm sau sinh thì sẽ khiến cho đứa trẻ bị ảnh hưởng một cách tiêu cực.

Theo một nghiên cứu, các triệu chứng trầm cảm của người bố sẽ tăng dần theo quãng thời gian từ khi bé mới sinh đến khi bé 5 tuổi, điều này sẽ làm giảm đi vai trò của người bố trong giai đoạn đầu đời của bé, khiến cho trẻ dễ bị mắc phải các vấn đề xã hội, tình cảm và tư duy nhận thức, dễ bất đồng ý kiến, không có sự gắn kết tình cảm chặt chẽ với cha mẹ.

5. Cách giải quyết trầm cảm sau sinh của người bố

Tìm kiếm sự giúp đỡ của các chuyên gia:

  • Đây là một trải nghiệm đáng sợ với những người lần đầu tiên làm bố, họ không hiểu được mình đang phải trải qua những gì và sẽ phải đối mặt với nó như thế nào. Chính vì vậy, nếu trao đổi với các chuyên gia điều trị tâm lý sẽ giúp cho bạn có thêm được các kỹ năng kiểm soát được chứng trầm cảm của mình.
  • Tìm ai đó để nói chuyện.
  • Nếu bạn cảm thấy ái ngại khi phải nói chuyện với các nhà trị liệu thì hãy tìm những người mà mình tin tưởng, có thể chia sẻ được những điều mình muốn nói. Đây là một việc làm hết sức quan trọng để có thể giúp bạn giải tỏa được cảm xúc lo âu, buồn phiền.

Hoạt động thể chất lành mạnh:

  • Việc tập thể thao, vận động cơ thể sẽ làm giảm đi những lo âu, căng thẳng, giúp bạn cải thiện chất lượng giấc ngủ và tăng mức độ hài lòng với chính bản thân mình. Tuy nhiên, bạn cần phải xây dựng thời gian hoạt động hợp lý mỗi ngày, khoảng 30 phút/ lần/ ngày và 3 buổi/ tuần là có thể có những ảnh hưởng tích cực đến tinh thần và thể chất của bạn.

Hy vọng những thông tin chia sẻ trên sẽ giúp ích không chỉ cho những người cha bị trầm cảm sau sinh mà còn có thể với cả các bà mẹ. Việc chăm sóc em bé và thay đổi các thói quen sinh hoạt hàng ngày chắc hẳn là điều không hề dễ dàng, tuy nhiên hãy dùng chính sự yêu thương của mình và cố gắng mỗi ngày, bạn sẽ cảm nhận được niềm hạnh phúc thực sự.

Theo healthline.com

X