Đã có nhiều trường hợp đáng tiếc xảy ra khi phụ huynh cho trẻ ngồi trước xe máy, ô tô hay bỏ quên trẻ trong ô tô. Thế nhưng tình trạng này vẫn rất phổ biến, tiềm ẩn nguy hiểm đến tính mạng trẻ và người ngồi cùng trên xe.

Tình trạng để trẻ ngồi và đứng trước xe máy, không đội mũ bảo hiểm rất phổ biến và rất nguy hiểm - Ảnh: QUANG ĐỊNH
Tình trạng để trẻ ngồi và đứng trước xe máy, không đội mũ bảo hiểm rất phổ biến và rất nguy hiểm – Ảnh: QUANG ĐỊNH

Sự việc bé 4 tuổi vặn tay ga xe máy đâm vào bờ rào khiến ba bà cháu chết tại huyện Phù Mỹ, tỉnh Bình Định là “hồi chuông” cảnh báo phụ huynh cần thận trọng tối đa khi cho trẻ ngồi trên xe máy, ô tô.

Sự bất cẩn, chủ quan của người lớn

Sau bốn ngày vụ ba bà cháu ở tỉnh Bình Định không qua khỏi vì một cháu bé 4 tuổi vặn tay ga xe máy đâm vào bờ rào, nhiều người vẫn không khỏi bàng hoàng và thương xót.

Có người chia sẻ trường hợp chính con hay cháu của mình cũng cầm lái, vặn tay ga lao vút về phía trước tông phải vật cản như bờ tường, hàng rào rồi bị thương.

Bạn đọc Hà Linh chia sẻ bản thân và người cháu nhỏ cũng gặp tình huống tương tự.

Thời điểm xảy ra tai nạn là khi chị Linh chở cháu bằng xe tay ga và khi dừng lại cho cháu vào nhà thì cháu vô tình cầm vào tay ga khiến chiếc xe và người lao vút. Chị Linh tắt khóa kịp xe mới dừng lại.

Theo bạn đọc Thái Bình, sự việc đau lòng trên cũng là bài học cho người lớn khi chở các con nhỏ. Các con không biết nguy hiểm nên người lớn phải là người chăm sóc và bảo đảm an toàn cho các con. Mong phụ huynh từ nay phải hết sức cẩn thận khi chở trẻ nhỏ trên xe.

Tháng 8-2022, các bác sĩ khoa cấp cứu và chống độc Bệnh viện Nhi trung ương cũng tiếp nhận điều trị cho một bé gái 4 tuổi (ngụ Hà Nội) nhập viện trong tình trạng chấn thương ngực kín, đụng giập nhu mô phổi, chấn thương gan và vỡ xương sọ do trẻ bất ngờ vặn tay ga khi ngồi phía trước trong lúc mẹ bỏ tay lái để lấy ví trả tiền.

Xe máy vọt lên làm cả hai mẹ con cùng ngã văng ra đường. Sau tai nạn, bé gái ngất lịm khoảng 2 phút và được gia đình đưa vào bệnh viện.

Bác sĩ Đinh Tấn Phương – trưởng khoa cấp cứu Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP.HCM) – chia sẻ đã có rất nhiều trường hợp trẻ, hay trẻ và người cùng ngồi xe máy gặp tai nạn khi trẻ ngồi phía trước rồi vô ý vặn tay ga, khiến xe lao về phía trước không kiểm soát.

Phần lớn hậu quả của những trường hợp trên tương đối nhẹ nên phụ huynh không chú ý nhiều, nhưng hậu quả thực tế rất lớn. Nhiều phụ huynh chở con đi học về nhà, khi xuống xe, chưa kịp hoặc quên tắt máy thì trẻ nắm tay ga và vặn khiến xe tông vào tường.

Tình trạng để trẻ ngồi trước xe máy, không đội mũ bảo hiểm rất phổ biến và rất nguy hiểm - Ảnh: QUANG ĐỊNH
Tình trạng để trẻ ngồi trước xe máy, không đội mũ bảo hiểm rất phổ biến và rất nguy hiểm – Ảnh: QUANG ĐỊNH

Tuyệt đối không cho trẻ ngồi ghế trước xe máy, ô tô

Trước thực tế trên, bác sĩ Đinh Tấn Phương đưa ra những lưu ý khi phụ huynh cho trẻ tham gia giao thông và cảnh báo những tình huống xấu có thể xảy ra:

– Đối với xe 4 bánh, tuyệt đối không để trẻ ngồi gần khu vực tài xế điều khiển. Một số trường hợp để trẻ ngồi ở trong lòng người lớn trên ghế trước ô tô, chẳng may có tình huống khẩn cấp xảy ra thì người lái xe bị vướng, không có khoảng trống linh hoạt xử lý. Khi trẻ ngồi vị trí này thì tay trẻ có thể cầm cần số, ảnh hưởng đến quá trình lưu thông, dễ gây tai nạn.

– Khi xuống xe ô tô phải tắt máy và không để trẻ trong xe bởi cực kỳ nguy hiểm. Trẻ dễ bị sốc nhiệt, ngạt thở dẫn đến tử vong, đặc biệt là giữa trời nắng nóng.

Để giữ an toàn cho trẻ khi ngồi trên ô tô, nên cho trẻ ngồi ở dãy ghế phía sau và thắt dây an toàn trong suốt hành trình di chuyển. Đối với trẻ còn nhỏ thì sử dụng ghế trẻ em.

Đối với xe hai bánh (xe máy), bác sĩ Phương cho hay hiện tất cả các quốc gia trên thế giới đều không cho trẻ ngồi trước xe vì rất nguy hiểm đến tính mạng trẻ. Tuy nhiên, tại nước ta, phụ huynh cho trẻ ngồi phía trước xe máy rất phổ biến.

“Thế giới thì cấm nhưng ở nước ta thì “sáng tạo” rất nhiều những cái ghế, cái nệm, cái gối… để cho trẻ ngồi, đứng phía trước xe máy. Mặc dù nhìn thấy thuận tiện nhưng lại rất nguy hiểm khi trẻ và phụ huynh tham gia giao thông.

Đặc biệt ở những trẻ lớn thì có thể nắm tay ga, rồi vặn ga. Thậm chí có một số phụ huynh cho trẻ tự điều khiển tay ga, cực kỳ nguy hiểm”, bác sĩ Tấn Phương chia sẻ.

Bộ Y tế cảnh báo mỗi năm Việt Nam có tới 2.000 trẻ tử vong do tai nạn giao thông, chiếm 24 – 26% số trẻ tử vong do tai nạn các loại. Trong đó gần 50% trẻ bị chấn thương sọ não do không đội mũ bảo hiểm.

Tỉ lệ trẻ dưới 14 tuổi chiếm 13,4% số ca chấn thương sọ não do tai nạn giao thông.

Thu Hiến

Theo Tuổi Trẻ

X