Mùa hè, bể bơi là nơi được nhiều gia đình lựa chọn để giải tỏa cơn nóng bức. Tuy nhiên mọi người nên “bỏ túi” những điều cần lưu ý sau để bảo vệ an toàn cho cả nhà.
Những điều cần lưu ý khi đi tắm bể bơi
Khởi động trước khi xuống hồ
Nếu không khởi động, dễ bị chuột rút, cơ bắp bị lạnh, sốc và tổn thương bên trong. Để không gặp phải những tình huống này, nên khởi động trước khi bơi giúp các hệ cơ ấm lên, cơ bắp mềm dẻo, các khớp hoạt động linh hoạt hơn, giảm nguy cơ chấn thương rất cao, tinh thần lại sảng khoái hơn.
Trước khi xuống bể bơi, có thể khởi động khoảng 10-15 phút theo thứ tự: Xoay cổ, xoay vai, xoay khuỷu tay, cổ tay, xoay hông, xoay gối và xoay cổ chân.
Không ăn uống quá no trước khi bơi
Nếu chuẩn bị đi bơi, chị em không nên ăn các món chế biến từ chất béo, thức ăn nhanh mà chỉ nên ăn nhẹ các món làm từ rau, củ, quả và hãy ăn trước khi xuống bể bơi khoảng 1 giờ.
Nếu xuống bể quá sớm, phổi sẽ không được cung cấp đủ không khí để có thể làm việc tốt khi cơ thể ngâm trong nước. Ngoài ra, quá trình tiêu hoá sẽ diễn ra rất khó khăn, do bình thường khi đầy thức ăn trong dạ dày, máu sẽ di chuyển tới bộ phần này để tiêu hóa thức ăn. Nhưng bơi trong điều kiện dạ dày còn quá no, máu sẽ chỉ tập trung ở những cơ bắp đang vận động.
Uống đủ nước
Khi bơi, cơ thể mất khá nhiều nước, nhưng lúc ở trong nước lại không có cảm giác khát nên nhiều người chủ quan không kịp thời bổ sung nước khiến cơ thể bị mệt do thiếu nước. Tốt nhất sau khi bơi khoảng 30 phút, nên lên bờ uống một ít nước rồi hãy bơi tiếp.
Đặc biệt trong những ngày hè nắng nóng, nhiều người thích ngâm mình dưới nước quá lâu, điều này cũng không tốt cho sức khỏe. Với người lớn chỉ nên bơi khoảng 1 giờ-1,5 giờ, còn trẻ nhỏ thì khoảng 30-45 phút.
Không bơi gần khu vực nguy hiểm trong bể
Tuyệt đối không nên đến gần các khu vực máy bơm, cống thoát nước, hệ thống lọc nước trong bể bơi. Do lực hút của những thiết bị này có thể hút cơ thể chúng ta vào đó, gây ra những tình huống vô cùng nguy hiểm cho tính mạng.
Không đi vệ sinh trong bể bơi
Khi bơi, nhiều người thường lười rời khỏi bể để vào nhà vệ sinh, vì vậy, họ tiểu tiện ngay trong bể. Tuy nhiên, bể bơi có chất tẩy rửa cực mạnh là Chlorine, chất này khi gặp Acid Uric trong nước tiểu sẽ tạo thành hai hợp chất độc hại là Cyanogen chloride (CNCI) ảnh hưởng đến hệ thần kinh, não, tim mạch và Trichloramine (NCl3) có thể làm tổn thương phổi.
Bên cạnh đó, hợp chất trong nước tiểu gặp chất khử trùng của bể bơi sẽ tạo ra phụ phẩm có tên DBP (Disinfection Byproducts), hợp chất gây hại cho gen thông qua phá hủy AND, nguy hiểm cho thai nhi, đồng thời có thể khiến mắt bị viêm nhiễm và gây ra các bệnh hen suyễn.
Nhớ vệ sinh tai
Sau khi bơi, chị em nên lau rửa tai cho bản thân cũng như con trẻ sạch sẽ để không mắc bệnh viêm tai. Vì nước bể bơi có hàm lượng Clo cao lại có độ pH không thích hợp, là môi trường thuận lợi cho vi khuẩn phát triển và khi vào tai người sẽ gây viêm tai, nếu không điều trị sẽ ảnh hưởng đến thính lực, nhất là ở trẻ nhỏ. Nếu nước lọt vào trong tai thì nên nghiêng đầu cho nước chảy ra, lau sạch tai bằng khăn hoặc tăm bông.
Nên rời bể bơi ít nhất 1 lần/giờ
Đó là những gì mà Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) khuyến cáo. Điều này giúp người lớn có thời gian để đưa trẻ em đi vệ sinh hoặc thay tã.
Thực hiện rửa tay đúng cách cho trẻ sau khi đi vệ sinh trước khi vào bơi lần nữa.
Không chạy nhảy trên sàn bể bơi
Không nên chạy nhảy trên sàn bể, vì sàn thường ẩm ướt, trơn trượt nên khó tránh được tình huống vấp ngã, gây nên thương tích. Nó càng nguy hiểm hơn nếu chúng ta không biết bơi rồi ngã xuống bể. Đó cũng là lý do mà nhân viên cứu hộ ở các bể bơi luôn ngăn cản mọi người chạy nhảy tại khu vực gần bể bơi.
Các loại bệnh, nhiễm trùng và dị ứng có thể gặp sau khi bơi
Bệnh tiêu chảy
Bể bơi rất dễ xuất hiện vi khuẩn Crypto, vi khuẩn này gây ra hơn 80% các bệnh do bơi. Khi tiếp xúc với vi khuẩn này bạn có thể bị đi ngoài phân lỏng từ 2-10 ngày.
Ngoài ra còn do một số loại vi khuẩn khác có thể kể đến như Giardia, Shigella, norovirus và E. coli gây nên các bệnh nhiễm khuẩn tại dạ dày.
Viêm tai ngoài
Đây là bệnh rất dễ bị sau khi đi bơi. Bệnh này không lan truyền từ người này sang người khác mà thay vào đó, mà do bị tích nước hồ bơi trong tai quá lâu mà không được vệ sinh sạch, nó làm cho các vi khuẩn phát triển và gây ra viêm tai.
Nổi ban trên da
Hiện tượng này thường xuất hiện khi người bơi tắm trong bồn nước nóng bị ô nhiễm hoặc trong những bể nước nóng được xử lý vệ sinh kém nên còn được gọi là phát ban bồn tắm nóng hoặc viêm nang lông
Vi trùng Pseudomonas aeruginosa thường bám vào đồ bơi rồi gây ra phát ban. Chính vì vậy, khi mặc đồ tắm bị ướt hàng giờ sẽ làm tăng nguy cơ mắc bệnh này.
Nhiễm trùng đường tiết niệu
Nhiễm trùng đường tiết niệu (UTI) cũng là một trong những bệnh tiêu biểu thường gặp khi vào mùa bơi lội.
Bệnh xảy ra khi vi khuẩn di chuyển lên niệu đạo, đi qua nước tiểu vào bàng quang. Vi khuẩn này thường xuất phát từ nước bể bơi nên bạn cần tránh việc ngồi ngồi xung quanh bể bơi lâu trong bộ đồ tắm ẩm ướt.
Nhiễm khuẩn đường hô hấp
Bệnh nhiễm khuẩn đường hô hấp là do vi khuẩn Legionella gây ra, vi khuẩn này có trong nước bể bơi, khi đi bơi người bơi có thể hít từ hơi nước của bể nước nóng.
Thời gian tiến triển của bệnh từ 2 ngày đến 2 tuần sau khi tiếp xúc và thường gặp ở những người trên 50 tuổi, người hút thuốc và những người có hệ miễn dịch yếu.
Do không thể nhận ra vi khuẩn này tồn tại trong bể bơi hoặc bồn nước nóng nên bạn thường chủ quan mà bỏ qua. Các loại khuẩn này thường gặp ở bể bơi trong nhà, nhưng chúng cũng có thể sống bên ngoài trong môi trường ấm áp, ẩm ướt.
Nhiễm độc vì khí Clo bị biến chất
Không phải bể bơi cứ có mùi Clo nồng nặc thì bể bơi đó sạch. Bởi nhiều trường hợp, vi trùng, bụi bẩn và tế bào cơ thể kết hợp với hóa chất Clo hồ bơi làm Clo có mùi cay nồng, bay vào không khí tạo ra mùi hắc khó chịu. Làm cho nhiều người nhầm lẫn mùi này là mùi của bể bơi đã được xử lý với nồng độ đạt chuẩn.
Thực tế, mùi Clo quá nồng nghĩa là Clo trong bể đã bị cạn kiệt hoặc biến chất. Do đó, nếu ngửi thấy mùi hóa chất nồng nặc trong bể thì đừng nên xuống tắm và ngược lại, nếu bể có mùi dễ chịu thì bạn có thể yên tâm bơi lội.
Báo Tiền Phong