Trèo cây bị ngã gãy xương đùi, người trong gia đình đã bó nguyên con gà đã cắt cổ vào đùi một thiếu niên ở Quảng Ngãi với hy vọng mau lành bệnh dẫn đến vết thương bị nhiễm trùng!
Giữa tháng 6, em P.V.K. (16 tuổi, trú thôn Ka Là, xã Ba Dinh, huyện miền núi Ba Tơ, tỉnh Quảng Ngãi) bị té ngã gãy xương đùi trong lúc trèo cây. Người trong gia đình đã lấy một con gà trắng cắt cổ, cột vào đùi em K. rồi chở đi cấp cứu tại Trung tâm y tế Ba Tơ.
Việc bó con gà vào chỗ đùi bị gãy gây ra nhiễm trùng vết thương. Rất may, các y, bác sĩ tại Trung tâm y tế Ba Tơ đã kịp thời xử lý vết thương, không để biến chứng.
Người nhà của em K. cho biết, mục đích cột con gà trắng vào chỗ vết thương với hy vọng… vết thương sẽ lành (?).
“Theo cách chữa bệnh của người Hrê truyền nhiều đời nay, khi bị thương thì cắt tiết con gà trắng cột vào vết thương sẽ mau lành vết thương”, ông Phạm Văn Thái (một người dân ở xã Ba Dinh, huyện Ba Tơ) cho biết.
Ở khắp các huyện vùng cao Quảng Ngãi không chỉ có chuyện dùng gà trắng để bó vết thương mà trước đây, tại khu vực đèo Viôlắc – giáp ranh giữa 2 tỉnh Kon Tum và Bình Định, một số thầy cúng cũng đã chữa bệnh bằng phương pháp cắn vào người hút ra cục đá gọi là “ đồ độc ”. Mỗi viên đá được “lấy ra”, bệnh nhân phải trả 200 nghìn đồng. Nhiều người dân đồng bào Hrê tin cách chữa bệnh trên tìm đến thầy cúng này.
Theo chính quyền địa phương, các phương pháp chữa bệnh này đều là hủ tục mê tín dị đoan không dựa trên cơ sở khoa học nào. Bệnh nhân không những không hết bệnh mà còn tốn tiền, tốn thời gian trong điều trị.
Bên cạnh đó, phương pháp chữa bệnh này còn gây biến chứng nặng nề, ảnh hưởng nặng tới bệnh lý của bệnh nhân, có thể khiến bệnh nhẹ thành nặng. Khi có dấu hiệu bất thường về sức khỏe, người dân cần đến bệnh viện khám để được chẩn đoán, điều trị bệnh với bác sĩ chuyên khoa.
Ông Phạm Giang Nam – Phó Chủ tịch UBND huyện Ba Tơ cho biết, chính quyền địa phương cũng thường xuyên tuyên truyền đến nhân dân, mỗi khi đau ốm phải tìm đến các cơ sở y tế để khám, chữa bệnh. Còn việc bà con cúng bái, chữa bệnh bằng các phương pháp mê tín dị đoan thì chắc chắn sẽ không chữa được bệnh.
“Tuy nhiên, để xóa bỏ mê tín dị đoan trong cách chữa bệnh này, không thể chỉ một sớm, một chiều, mà rất cần sự chung tay góp sức của cả hệ thống chính trị, nhất là ở cơ sở”, ông Nam nói thêm.
Thời gian qua có không ít người dân ở các huyện vùng cao Quảng Ngãi nhập viện trong tình trạng nguy kịch, biến chứng nặng do chữa bệnh, thương tích bằng những phương pháp mê tín dị đoan. Đã có rất nhiều người chịu hậu quả nặng nề vì những phương pháp này.
Việc chữa bệnh mê tín dị đoan gây ra tác hại rất lớn trên mọi lĩnh vực đời sống xã hội của người dân. Những ảnh hưởng tiêu cực đó cần phải được ngăn chặn kịp thời, lên án và đấu tranh xóa bỏ.
Báo Tiên Phong