Ngồi liên tục nhiều giờ làm chậm quá trình trao đổi chất, khiến cơ thể giảm chuyển đổi cholesterol “xấu” thành cholesterol “tốt”, tăng nguy cơ bệnh tim mạch.

Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), ngồi nhiều, ít vận động là yếu tố nguy cơ thứ 4 gây tử vong trên toàn cầu. Người ngồi liên tục hơn 90 phút có nguy cơ tử vong cao hơn gần 2 lần so với người vận động thường xuyên.

Một nghiên cứu của Đại học bang Ohio (Mỹ) phát hiện, loại enzym giúp cơ thể chuyển đổi LDL-c (cholesterol “xấu”) thành HDL-c (cholesterol “tốt”) sẽ giảm đến 95% khi ngồi một chỗ nhiều giờ. Tình trạng này có thể làm tăng nguy cơ bệnh tim mạch lên 30%.

Ngồi nhiều làm giảm cholesterol tốt, tăng nguy cơ bệnh tim mạch. Ảnh: Freepik

Ngồi nhiều cũng làm chậm quá trình trao đổi chất, ảnh hưởng đến khả năng phân hủy chất béo trong cơ thể. Theo nghiên cứu, sự trao đổi chất bắt đầu bị ức chế sau 20 phút, chậm lại 90% sau 30 phút ngồi cố định ở bất kỳ vị trí nào. Đây cũng là lý do làm tăng cholesterol toàn phần và cholesterol “xấu” LDL-c, giảm nồng độ cholesterol “tốt” (HDL-c giảm khoảng 20% sau 2 giờ ngồi liên tục).

Theo bác sĩ Phạm Mạnh Hoàn, Trưởng phòng Đào tạo & Nghiên cứu khoa học, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM, LDL-cholesterol tích tụ nhiều sẽ liên kết với chất béo, chất thải tế bào, canxi, fibrin và theo thời gian sẽ hình thành nên các mảng xơ vữa trên thành mạch. Mảng xơ vữa lớn lên sẽ thu hẹp kích thước lòng mạch, giảm lưu lượng máu tuần hoàn, gây ra nhiều bệnh lý nguy hiểm như thiếu máu cơ tim, nhồi máu cơ tim, đột quỵ, hoại tử chi, suy thận…

Bác sĩ Hoàn khuyến cáo, ngồi ít hơn, vận động cơ thể nhiều hơn được xem là “toa thuốc” tự nhiên để giảm cholesterol xấu trong máu. Mỗi người có thể giảm thời gian ngồi hiệu quả bằng những thay đổi nhỏ trong thói quen sinh hoạt như: sử dụng cầu thang bộ thay vì thang máy; đỗ xe cách nơi làm việc khoảng 10 phút đi bộ hoặc xuống xe buýt sớm hơn một điểm dừng; dắt chó đi dạo quanh công viên sau giờ làm; làm vườn hoặc dọn dẹp nhà cửa vào những ngày nghỉ; rời khỏi ghế khi tivi phát quảng cáo; đứng để đọc sách hoặc nhặt rau, chế biến thức ăn…

Đối với những người làm công việc văn phòng, có thể thực hành những hoạt động đơn giản như: đứng dậy và vươn vai hoặc đi lại quanh công ty khoảng 2-3 phút sau mỗi 30 phút nhìn màn hình; họp đứng thay vì họp ngồi; trao đổi trực tiếp thay vì nhắn tin, email; đứng lên để nghe điện thoại; đi dạo bên ngoài trong thời gian giải lao… Những hành động này góp phần giảm thời gian cũng như tác động tiêu cực của việc ngồi liên tục đến sức khỏe.

Đứng lên khi họp hành, trao đổi công việc sẽ giúp giảm thời gian ngồi tại văn phòng. Ảnh: Freepik

Song song việc hạn chế ngồi nhiều, duy trì thói quen tập thể dục đều đặn sẽ giúp kiểm soát lượng cholesterol trong máu tốt hơn. Mọi người nên tập luyện ít nhất 30 phút/ngày và 5 ngày/tuần với các bộ môn lý tưởng như đi bộ, bơi lội, đạp xe, khiêu vũ, thể dục nhịp điệu (aerobic)…

Người đang có mức cholesterol cao cần bổ sung thêm tinh chất thiên nhiên có cơ chế tăng hoạt hóa thụ thể LDL-Recepter trên màng tế bào, giúp tế bào sử dụng cholesterol hiệu quả hơn. Hiện nay, GDL-5 (một loại policosanol, chiết xuất từ phấn mía Nam Mỹ) là tinh chất góp phần giúp giảm đáng kể mức cholesterol “xấu” LDL-c, đồng thời tăng cholesterol “tốt” HDL-c trong máu. Nhờ đó, cơ thể giảm nguy cơ hình thành xơ vữa động mạch, hỗ trợ kiểm soát tăng huyết áp, bệnh lý tim mạch, bác sĩ Hoàn nhấn mạnh.

Rối loạn mỡ máu không có triệu chứng ở giai đoạn đầu, mọi người nên đến bệnh viện xét nghiệm mỡ máu định kỳ để kiểm tra nồng độ mỡ máu, từ đó có kế hoạch ăn uống, tập luyện thích hợp. Viện Tim, Phổi và Huyết học Quốc gia Mỹ (NHLBI) khuyến nghị, lần kiểm tra cholesterol đầu tiên nên thực hiện trong độ tuổi từ 9-11, lặp lại sau mỗi 5 năm. Từ 45 tuổi, mỗi người nên kiểm tra cholesterol 1-2 năm/lần, bước qua tuổi 65 nên kiểm tra cholesterol hàng năm.

Thống kê toàn cầu cho thấy, trung bình mỗi người ngồi 7,7 giờ mỗi ngày, thậm chí có những người ngồi tới 15 giờ một ngày. Hầu hết mọi người dành thời gian ngồi nhiều cho công việc, học tập, xem ti vi, sử dụng máy tính hoặc điện thoại, đọc sách, di chuyển bằng xe máy, ôtô…

X