Nếu chịu khó uống nước vào những thời điểm này có thể tăng cường giải độc, làm chậm cơn đói và cải thiện quá trình trao đổi chất.
Cơ thể chúng ta có đến 70% là nước do đó bất luận là trẻ nhỏ hay người lớn, việc bổ sung nước đầy đủ mỗi ngày đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy quá trình tiêu hóa, giải độc, trao đổi chất.
Theo chuyên gia dinh dưỡng Li Wanping (làm việc tại Đài Loan, Trung Quốc), thiếu nước không chỉ gây khát mà còn khiến da bị khô, cơ thể mệt mỏi, cảm thấy đói, thậm chí có thể gây chuột rút trong những trường hợp nặng.
Để mọi người có cách bổ sung nước khoa học, chuyên gia hướng dẫn phương pháp tính lượng nước tiêu thụ như sau: 30-40ml/kg, nghĩa là một người nặng 60kg nên uống ít nhất 1.800ml nước mỗi ngày.
Uống canh, trà, sữa có được tính là bổ sung nước không?
Nhiều người thắc mắc “uống trà, sữa, canh” có được tính là bổ sung nước không? Về vấn đề này, chuyên gia dinh dưỡng Li Wanping giải thích rằng: “Lợi ích quan trọng nhất của việc uống nước đó là làm dịu cơn khát và hỗ trợ quá trình trao đổi chất.
Trong trường hợp trà không chứa đường thì có thể giải tỏa cơn khát. Tuy nhiên tiêu thụ nhiều nhất cũng chỉ nên chiếm 1/2 tổng số lượng nước tiêu thụ mỗi ngày. Riêng người sỏi thận chỉ nên tiêu thụ lượng trà khoảng 1/3 tổng số lượng nước tiêu thụ. Giả sử bạn cần uống 1.800ml nước mỗi ngày thì có thể uống 900ml trà, còn lại nên uống bù bằng nước lọc”.
Đối với canh, chuyên gia Li Wanping không khuyên dùng vì nó có gia vị và hàm lượng muối cao. Nếu uống quá nhiều canh có thể gây phù nề, không tốt cho quá trình trao đổi chất.
Đối với sữa, thành phần dinh dưỡng của nó bao gồm chất đạm, đường, chất béo… tất cả đều có calo. Việc tiêu thụ các sản phẩm từ sữa là cần thiết nhưng tuyệt đối không được uống thay nước lọc vì sẽ làm tăng thêm gánh nặng cho cơ thể, hơn nữa sẽ gây tăng cân.
4 khung giờ tốt nhất trong ngày để uống nước
Chuyên gia Li Wanping cũng chia sẻ về “4 giờ vàng” của quá trình hydrat hóa. Nếu chịu khó uống nước vào những thời điểm này có thể tăng cường giải độc, làm chậm cơn đói và cải thiện quá trình trao đổi chất.
1. Thức dậy lúc 7 giờ sáng
Lúc này, hãy uống một cốc nước ấm để kích hoạt các chức năng cơ thể, giúp loại bỏ chất cặn bã trong dạ dày và bắt đầu ngày mới giàu năng lượng.
Ly nước đầu tiên vào buổi sáng nên là nước ấm để làm sạch ruột. Hoặc có thể là nước mật ong để tránh táo bón, tốt cho sức đề kháng. Tuy nhiên cần lưu ý pha nước mật ong bằng nước ấm, nước nguội chứ không nên dùng nước sôi nóng kẻo làm hỏng dinh dưỡng của mật ong.
2. 12 giờ trưa
Uống nước trước bữa trưa để lót dạ, tạo cảm giác no. Từ đó sẽ giảm khả năng ăn quá nhiều trong bữa ăn và tăng cường giải độc.
3. 3 giờ chiều
Vào khung giờ này bạn nên uống một cốc nước rồi vận động giữa giờ làm. Điều này không chỉ nhắc nhở bản thân đứng dậy và đi lại sau khi ngồi lâu mà còn giúp bạn tránh xa đồ ăn, đồ uống nhiều đường… toàn thứ sẽ khiến bạn tăng cân.
4. Giờ ăn tối
Uống trước và sau bữa ăn tối đều tốt. Nếu như uống trước bữa ăn có thể giải tỏa cơn đói, thì uống sau bữa ăn có thể cải thiện quá trình trao đổi chất, cải thiện tuần hoàn cơ thể. Tuy nhiên, vị chuyên gia cũng nhắc nhở mọi người không nên hình thành thói quen uống nước trong khi ăn nếu không sẽ ảnh hưởng đến hệ tiêu hóa.
Với những người trung niên, cao tuổi mắc các bệnh tim mạch, mạch máu não thì việc bổ sung nước trước khi đi ngủ càng cần thiết để duy trì tuần hoàn máu và ngăn ngừa huyết khối Bên cạnh đó, hàm lượng axit uric thường tăng lên vào ban đêm, do đó uống một cốc nước trước khi đi ngủ cũng có thể ngăn ngừa các cơn gút tấn công.
Cần lưu ý rằng người bệnh thận, tốt nhất không nên uống nước trước khi ngủ.
Theo PNVN